Một trong những câu chuyện viết cho thiếu nhi mà mình yêu thích nhất là “Dấu chấm” (“The dot”) của tác giả Peter H. Reynolds. Tranh vẽ và câu chữ trong “Dấu chấm” rất đơn giản nhưng đã mở ra một thông điệp truyền cảm hứng mạnh mẽ về việc đặt lại niềm tin vào bản thân mình, rằng ai cũng có thể vẽ và trở thành một họa sĩ ngay cả khi tất cả những gì bạn có thể vẽ là… một dấu chấm.
Hình ảnh cô bé Vashti ngồi trước bàn với tờ giấy trắng, không biết phải vẽ gì và có chút bực bội với cô giáo: “Em không thể vẽ!” khiến mình liên tưởng rất nhiều đến những bạn nhỏ đã cự tuyệt với viết lách. Nhiều bạn có một niềm tin rằng mình không thể viết được và chắc chắn sẽ không bao giờ tạo ra được một bài văn, câu chuyện hay.
Nhưng giống như cô giáo trong “Dấu chấm” đã đóng khung bức vẽ chỉ với một dấu chấm để thành một bức tranh đẹp, mình có niềm tin mạnh mẽ rằng bất kỳ câu chữ nào của một em bé cũng có thể trở thành một bài văn hoặc một câu chuyện thú vị.
Cách đây 2 năm, mình đã từng đến lớp của con gái, khi đó đang học lớp 2, để tổ chức một tiết học “Sáng tác truyện”. Nội dung tiết học là mình sẽ kể chuyện, hướng dẫn các con tự viết nên câu chuyện của mình, thu thập, biên tập và in thành một quyển truyện chung của cả lớp.
Hôm ấy, trong khi các bạn khác hào hứng viết, í ới gọi cô để hỏi thì có một bạn đã ngồi trước trang giấy trắng và tủi thân rơi nước mắt. Mình đã lại, hỏi bạn vài câu, bạn nói bạn không thể viết. Và mình có hướng dẫn nhưng bạn vẫn nhất quyết không chịu cầm bút lên để viết. Cuối cùng, mình đã hỏi về ước mơ của bạn. Khi hết giờ, mình vẫn nhận tờ giấy trắng của bạn và nói: “Con nhớ đọc quyển truyện nhé, sẽ có món quà bất ngờ dành tặng con”.
Khi về, mình đã viết một câu chuyện dành cho bạn, với phần đầu như thế này:
“Trong bài tập thực hành “sáng tác truyện”, Phúc Tường ngồi nghĩ mãi mà không biết chọn câu chuyện nào để viết. Chuyện về gia đình, về bạn bè, về thầy cô, về cuộc sống xung quanh?
Nhiều chuyện thật đấy, thôi nhắm mặt lại và nghĩ xem mình nên viết về gì nào!
Cứ thế, Phúc Tường gục xuống bàn.
Mở mắt ra, cậu thấy mình đang ở trong một con tàu. Trên người cậu là bộ quần áo phi hành gia khiến cậu cử động hơi khó khăn một chút. Trên đầu cậu là một chiếc mũ bảo hiểm to và nặng, trong mũ phủ một lớp mạ vàng và có thể nhìn ra ngoài qua lớp nhựa trong suốt. Cậu cảm giác mình đang được phóng vun vút lên cao.
“Chuyện gì xảy ra thế này? Chẳng nhẽ mình đang ở trong một con tàu vũ trụ ư? Ồ, giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực rồi sao?”, Phúc Tường tự hỏi.
Và cậu thấy sự thật đúng là vậy. Chắc hẳn cậu đã từng đọc những câu chuyện và tưởng tượng mình sẽ trở thành nhà du hành vũ trụ, đặt chân lên mặt trăng, nên bây giờ ước mơ đã trở thành sự thật.
Phúc Tường ngồi vào khoang buồng lái. Kỳ lạ là cậu có thể hiểu hết tất cả những mật mã, ký hiệu và cách vận hành của con tàu vũ trụ.
Cậu gửi tín hiệu về cho trạm quan sát dưới mặt đất.
Cậu điều khiển cho con tàu băng qua những vì sao. Cuối cùng đáp xuống mặt trăng.
Phúc Tường chầm chậm bước ra ngoài…”
Mình đã không biết phản ứng của bạn nhỏ trước câu chuyện như thế nào vì đó cũng là lần đầu tiên và là lần cuối cùng mình gặp bạn. Năm học sau, bạn đã chuyển trường. Nhưng mình tin rằng mình đã làm được một việc có ích là giúp bạn nhỏ 7 tuổi hiểu được rằng phía sau mỗi chúng ta là rất nhiều những câu chuyện. Một giấc mơ, một lần nghĩ ngợi đến mức “bó tay” và sợ hãi… cũng có thể là chất liệu để dệt nên thành một câu chuyện.
Và mình muốn được trở lại để nuôi dưỡng niềm tin này trong các con. Mình sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ mà ở đó các con được thoải mái ngồi nghe những câu chuyện – những câu chuyện vốn viết nên từ chi tiết rất đời thường xung quanh – và hiểu rằng bản thân mình cũng rất có thể sẽ trở thành nhân vật chính hoặc người quan sát, ghi chép thành một câu chuyện.
Các con sẽ không cần phải viết mà chỉ cần ngồi chuyện trò, nói về những kỷ niệm, về những ước mơ, về những suy nghĩ và “a lê hấp” – sẽ có một đội ngũ phía sau biến cuộc chuyện trò này thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Nội dung câu chuyện thuộc về con nhưng sẽ được gõ máy, biên tập lại, thiết kế thành file đẹp đẽ và ký tên của con.
Từ đây, các con sẽ được truyền cảm hứng để tự mình sáng tác nên những câu chuyện, tin rằng mình hoàn toàn có thể trở thành một người – biết – viết ngay cả khi luôn bế tắc trước câu chữ.
Giống như cái cách mà từ một dấu chấm được khích lệ, cô bé Vashti đã có một buổi trưng bày những bức tranh dấu chấm của riêng mình. Những bạn nhỏ rất có thể cũng sẽ trở thành tác giả của nhiều câu chuyện chỉ bắt đầu bằng một hai câu nói vu vơ…
Vậy nếu muốn, bố mẹ hãy đăng ký cho con tham gia buổi gặp gỡ này nhé! Workshop sẽ giới hạn là 15 bạn nhỏ để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nhưng ngay cả khi chỉ có 1 bạn nhỏ tham gia, mình cũng sẽ đứng ra tổ chức.
Workshop: Kể chuyện và dệt nên những câu chuyện
Người dẫn chuyện: Lá Xanh
Kinh nghiệm: Hơn 10 năm viết lách và yêu thích sáng tác truyện thiếu nhi
Thời gian:
Dự kiến tổ chức 2 tuần/lần vào tối thứ Sáu.
Hình thức: Tổ chức online qua Microsoft Teams.
Phí tham gia: 100.000VND/bạn.
Trong buổi workshop này, các con sẽ:
- Được nghe những câu chuyện được làm nên từ chất liệu cuộc sống quanh mình do cô Lá Xanh viết.
- Được truyền cảm hứng để tự thu thập những chất liệu, bay bổng với những ý tưởng, dùng chính ngôn từ của con để biến chúng thành những câu chuyện hoàn chỉnh.
- Những câu chuyện của các con sẽ được thu thập lại, “hô biến” thành những câu chuyện hoàn chỉnh, được thiết kế xinh xắn, ký tên con dưới tư cách “Tác giả”.
- Những truyện thú vị sẽ được xuất bản trong tập truyện “Trẻ con viết cho trẻ con đọc”.
- Có cơ hội trở thành cộng tác viên viết truyện với cô Lá Xanh.