Nhân vật mới nhất mà mình phỏng vấn là một thầy giáo dạy đàn, sống du mục. Khi mình gửi lịch phỏng vấn 1:1, bạn gửi lại cho mình một thời gian biểu của từng ngày trong tuần. Giờ nào việc gì, những ô màu dành cho việc dạy đàn, những ô dành cho việc đọc sách, những dành cho việc chơi với con… Những ô màu xanh là mình có thể hẹn bạn.
Mình đã có ngay một hình dung về con người này: chỉn chu đến từng chi tiết. Và cái hình dung này trong mình hoàn toàn chính xác khi mình bước vào cuộc phỏng vấn với bạn.
Những câu chuyện thực sự truyền cảm hứng đến mình mà phần lớn sẽ được mình viết trong một bài báo. Nhưng một điều mà mình ấn tượng nhất, là khi mình hỏi về việc đưa ra một lời khuyên cho những người bắt đầu tìm hiểu về lối sống du mục, bạn nói: “Hãy học hỏi trong sáng”.
Mình ban đầu đã bật cười vì… đầu mình hơi đen tối. Nhưng khi bạn nói: “Trong sáng có nghĩa là học vì chính bản thân mình chứ không phải để khoe mẽ hay hơn thua với ai, lấy bằng cấp gì. Giống như em, mỗi ngày em đều đọc những quyển sách ở lĩnh vực em quan tâm nhưng chỉ là muốn mình tốt lên thôi chứ không phải để làm gì khác cả”.
Ồ, mình bắt đầu như thấy sáng ra! Cái từ “trong sáng” vốn được bạn bật ra một cách tự nhiên thôi nhưng lại mang đến cho mình một định nghĩa mới. Và mình tự hỏi, mình đã làm những việc gì với tâm thế trong sáng hay chưa?
Với viết lách thì sao? Ban đầu mình đến với viết lách bằng một tâm thế rất trong sáng. Blog 360 độ được lập ra để mình ghi lại những câu chuyện vụn vặt, vui vẻ trong cuộc sống. Mình đã viết như thế suốt mấy năm trời cho đến khi nền tảng này bị sập. Nhưng mình đã luôn tự hỏi liệu mình viết thế thì để làm gì? Chẳng có mấy người đọc, chẳng dẫn tới một công việc kiếm tiền nào cả.
Nhưng đến sau này, mình mới nhận ra rằng đó là một cách viết lách vô tư, giúp mình phát triển kỹ năng viết tốt nhất. Những câu chữ thật sự tự nhiên, nó giống như một sợi chỉ đỏ nối những trải nghiệm trong cuộc đời của mình lại với nhau. Ở bây giờ, sau hơn 10 năm nhìn lại, đó vẫn mãi mãi là những dòng chữ đẹp nhất trong lòng mình.
Nhiều người đến với mình để học viết, ban đầu thấy rằng họ bế tắc với câu chữ, không biết đặt ra cảm xúc của mình như thế nào nhưng khi được khơi thông lại kỳ vọng nhiều hơn thế. Chúng ta lao vào việc phải kiếm được gì từ viết lách mà quên mất viết cho chính mình, không đủ kiên nhẫn để trích ra một chút thời gian rảnh khoảng 30 phút ngồi xuống viết gì đó thật tự nhiên.
“Hôm nay, mình đã đánh con. Mình nhận ra bản thân đang bị stress kinh khủng. Mỗi ngày đều trì trệ, không chịu cố gắng. Dậy muộn, việc làm không xong nên chỉ một lỗi nhỏ của con như không cất gọn áo quần sau khi tắm, nước giây ra sàn… cũng khiến mình phát điên. Mình sẽ phải làm gì đây?
Hãy cố gắng để dậy sớm hơn vào ngày mai, làm thêm cho bớt việc vào buổi sáng, trước khi các con ngủ dậy…”
Nếu bạn hỏi như thế nào là viết cho chính mình, mình sẽ kể về những dòng chữ như thế. Ở đâu đó, trong một tệp file để dành cho chính bản thân, mình thấy có những con chữ đầy ắp tình cảm hoặc cũng có những con chữ đã từng viết ra bằng sự giận dữ, tổn thương nhưng khi nhìn lại thật hiền hòa.
Mình nghĩ, chúng ta vẫn đang lớn lên mỗi ngày và kỹ năng viết của chúng ta cũng thế. Bởi phía sau những câu chữ là trải nghiệm đang được tích lũy, thêm từng chút hiểu chính mình hơn, có những quan sát sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh, thấy một chiếc lá xanh cũng hiểu rằng phía sau đó là rất nhiều mưa nắng…
Hãy bắt đầu tiếp cận lại với viết lách một cách trong sáng, rồi bạn sẽ thấy rằng mình đã viết tốt lên tự lúc nào không hay!
*****
P/S: Bài viết nằm trong chuỗi email đọc và viết, được gửi đều đặn 21 ngày mỗi tháng.
Các chủ đề về cảm hứng, thấu hiểu bản thân sẽ được chia sẻ miễn phí.
Các chủ đề về kỹ thuật viết/chủ đề viết sẽ được giới hạn cho những người đăng ký nhận mail mất phí hoặc học viên cũ.
Khi đăng ký email là bạn đã góp một phần lớn trong việc phát triển cộng đồng viết kể chuyện LA Storyteller.
Bạn có thể xem thêm thông tin và đăng ký tại đây.