Chào bạn,
Ngày hôm qua, chúng ta đã nhìn nhận lại trực diện vào kỹ năng lắng nghe rồi nhỉ? Và ngày hôm nay, mình vẫn muốn bạn lại bóc trần thêm một sự thật thú vị nữa: Càng hiểu người khác thì càng khó thấu cảm với họ.
Mình gọi là “bóc trần” vì chúng ta vẫn thường tự hào hoặc cho rằng nếu có chung trải nghiệm, chúng ta sẽ dễ đưa ra sự đồng cảm và lắng nghe người khác tốt. Nhưng sự thật không phải là vậy. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: càng hiểu thì lại càng khó thấu cảm.
Chúng ta dễ bị những thiên kiến cá nhân che kín tầm nhìn và sự thấu hiểu. Còn lý do vì sao, thì mời bạn đọc vài trang sách dưới đây. Mình đã cất công gõ lại từ quyển “Thấu cảm” trong bộ Emotional Intelligence của Harvard Business Review để mong rằng chính bản thân mình cũng hiểu sâu và nhớ lâu hơn:
“Trong thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát những người tham gia vào một sự kiện “nhảy xuống hồ nước lạnh”: họ sẽ nhảy xuống hồ Michigan băng giá vào tháng Ba. Tất cả những người tham gia đều được nghe câu chuyện về một người đàn ông tên là Pat – anh ta dự định sẽ hoàn thành cú nhảy nhưng quá sợ hãi nên phải rút lui ngay phút chót. Đặc biệt, những người tham gia được kể câu chuyện đó trước khi họ tự hoàn thành cú nhảy hoặc một tuần sau đó. Chúng tôi nhận thấy những người hoàn thành cú nhảy ít có lòng trắc ẩn và tỏ vẻ khinh thường Pat hơn so với những người chưa hoàn thành.
Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi xem xét lòng trắc ẩn đối với một cá nhân đang vật lộn với thất nghiệp. Hơn 200 người đã đọc câu chuyện về một người đàn ông mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể tìm được việc làm. Vật lộn để kiếm sống, cuối cùng anh ta phải bán ma túy kiếm tiền. Chúng tôi nhận thấy những người từng vượt qua thời kỳ thất nghiệp trước đây lại ít có lòng trắc ẩn và phán xét nhiều hơn về người đàn ông so với những người hiện đang thất nghiệp hoặc chưa bao giờ bị mất việc.
Nghiên cứu thứ ba đã mổ xẻ lòng trắc ẩn của một thiếu niên hay bị bắt nạt. Những người tham gia được nghe câu chuyện theo hai hướng: cậu đã chống lại hoặc không chống lại được hành vi bắt nạt. So với những người tham gia chưa từng trải qua tình huống này trong quá khứ có lòng trắc ẩn hơn đối với trường hợp cậu thiếu niên đã đương đầu với trải nghiệm đó theo cách thích hợp. Tuy nhiên, như trong các nghiên cứu trước đây của chúng tôi, những người tham gia từng bị bắt nạt trước đây lại là những người ít có lòng trắc ẩn nhất đối với trường hợp cậu thiếu niên không chống lại được hành vi bắt nạt.
Tổng hợp lại, các kết quả trên cho thấy những người từng trải qua một trải nghiệm khó khăn thường đặc biệt khắc nghiệt với những người phải vật lộn đương đầu với thử thách tương tự.
Nhưng tại sao lại như vậy? Chúng tôi cho rằng hiện tượng này bắt nguồn từ hai sự thật trong tâm lý.
Đầu tiên, mọi người thường khó có thể nhớ lại chính xác trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khó khăn đến mức nào. Mặc dù chúng ta có thể nhớ trải nghiệm trong quá khứ là đau đớn, căng thẳng hoặc mệt mỏi nhưng chúng ta có xu hướng đánh giá thấp sự đau đớn của trải nghiệm đó trong hiện tại. Hiện tượng này được gọi là “khoảng cách thấu cảm”.
Thứ hai, những người trước đây đã vượt qua trải nghiệm tiêu cực biết rằng mình có thể vượt qua nó thành công, điều này khiến họ cảm thấy đặc biệt tự tin về sự hiểu biết của bản thân đối với mức độ nan giải của tình huống đó. Trải nghiệm kết hợp giữa “tôi không nhớ điều đó khó khăn ra sao” và “Tôi biết bản thân đã vượt qua điều đó” dẫn đến sự nhận thức rằng người ta có thể dễ dàng chinh phục được thử thách đó, làm giảm sự thấu cảm đối với những người đang phải vật lộn với nó.
Phát hiện này dường như trái ngược với trực giác của chúng ta. Khi chúng tôi yêu cầu những người tham gia dự đoán ai sẽ thể hiện nhiều lòng trắc ẩn nhất đối với một thiếu niên bị bắt nạt, chẳng hạn một giáo viên từng phải chịu đựng hành vi bắt nạt, chẳng hạn một giáo viên từng phải chịu đựng hành vi bắt nạt hoặc một người chưa bao giờ bị bắt nạt – thì 99 trong số 112 người lựa chọn phương án là giáo viên bị bắt nạt. Điều này có nghĩa rằng theo bản năng, nhiều người có thể sẽ tìm kiếm lòng trắc ẩn từ chính những người ít có khả năng nhất.
Điều này rõ ràng có ý nghĩa đối với giao tiếp ngang hàng tại công sở (hãy cẩn thận khi chọn người bày tỏ nỗi niềm). Và các chương trình tư vấn, thường kết nối những người có nền tảng hoặc kinh nghiệm tương tự nhau, có thể cần được xem xét lại. Nhưng ở đây cũng có những bài học quan trọng dành cho các nhà lãnh đạo. Khi các nhân viên gặp vấn đề gì đó tiếp cận với mình, những nhà lãnh đạo có thể tin rằng phản ứng cảm xúc của chính họ đối với vấn đề này sẽ định hình sự phản hồi của họ. Chẳng hạn, một nhà điều hành đã phá bỏ được rào cản vô hình ngăn cản phụ nữ thăng tiến có thể chỉ tập trung vào thành công của chính cô ấy khi xem xét mối quan ngại của một nhân viên về tình trạng phân biệt đối xử.
Tương tự, các nhà quản lý trong những ngành nghề áp lực lớn như tư vấn và ngân hàng có thể đáp lại mối lo lắng của nhân viên về tình trạng kiệt sức và mệt mỏi bằng những nhận xét như: “Tôi cũng phải làm việc nhiều giờ, vậy tại sao anh lại phàn nàn?” (Và trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy cơ chế này đang phát huy tác dụng khi những người lao động lớn tuổi hơn từ chối những cải cách được đưa ra nhằm giúp giảm tải tình trạng làm việc quá sức).
Nói một cách đơn giản, các nhà lãnh đạo cần phải vượt ra ngoài suy nghĩ của bản thân – để ít chú trọng chứ không phải tập trung nhiều hơn, vào những thách thức trong quá khứ của mình. Để thu hẹp khoảng cách thấu cảm, cách hành xử tốt nhất đó là các nhà lãnh đạo có thể tập trung vào việc cảm nhận nhân viên đó khó chịu ra sao hoặc bằng cách nhắc nhở bản thân rằng nhiều người khác đang phải vật lộn tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và rằng nhiều người trong số đó cuối cùng đã bị đẩy ra khỏi nơi làm việc.
Khi cố gắng khích lệ ai đó thấu cảm hơn, chúng ta thường nói những câu như “hãy thử đặt mình vào vị trí đó xem”. Hóa ra, việc nói như vậy với những người đã từng ở vị trí đó hoàn toàn là sai lầm”.
Bạn thân mến,
Cảm giác của bạn sau khi kết thúc những kiến thức này là gì? Liệu nó có khó đọc hay dễ đọc, có ứng dụng gì đó trong câu chuyện của bản thân?
Còn với mình, bỗng nhận ra rất nhiều thứ. Mình thường đi tìm những người đã từng đi qua trải nghiệm giống mình để nhận lời khuyên rồi không ít lần nhận gáo nước lạnh. Mình thường tự hào mình có trải nghiệm trong chuyện của ai đó khác nên dễ có xu hướng xem nhẹ nỗi đau của họ hơn… Sau cùng, là những điều chỉnh để bản thân biết rèn luyện sự thấu cảm.
Mong rằng những gì chúng ta đọc và sống sẽ luôn mang lại cảm giác thấy mình trưởng thành hơn, mỗi ngày.
Chúc mỗi chúng ta một ngày mới mát lành!
Linh.