Trước tiên, mình xin được chúc mừng tất cả những người đã hoàn thành chủ đề viết đầu tiên: “Vì tôi là một người viết”.
Bởi dẫu cho bài viết có không như ý, có gửi trễ deadline thì ít nhất chúng ta đã một lần nữa thực sự gieo vào trong mình một niềm tin, nhắc nhở mình về sự tha thiết với viết lách. Hành trình xây nội lực nói thì to tát nhưng cũng chỉ cần bắt đầu bằng cách ngồi xuống viết đôi ba dòng thôi. Và tất nhiên, ai cũng sẽ làm được nếu biết hạ xuống bớt những kỳ vọng.
Đến bước tiếp theo, khi mình tìm kiếm về cách xây dựng nội lực, mình thấy rất nhiều chỉ dẫn liên quan đến keyword: HỌC.
Cô Nguyễn Phi Vân cũng nói, một trong 3 điều để xây được sự tự tin đó là việc luôn học một thứ gì đó mới.
Còn trong viết lách, để có được sự tự tin, chúng ta cũng luôn phải học, đọc một thứ gì đó mới. Nếu không học thông qua việc quan sát hay đọc, chúng ta sẽ thấy mình chậm tư duy, trì trệ và khó có thể phát triển được.
Mình nghĩ đến những bà mẹ vừa sinh con nhỏ, cả ngày chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong 4 bức tường, nghe tiếng con khóc, ngắm nhìn con ngủ và đợi chồng về để nói đôi ba câu. Dần dần thành quen, chị không còn biết phải bắt đầu với viết lách như thế nào nữa và nghĩ rằng mình không thể viết được.
Nhưng cũng chính bà mẹ ấy bắt đầu tìm được niềm vui khi mở lại một trang sách, nghe một tập podcast, ghi lại nhật ký về những gì mình vừa nhận ra, vừa học được.
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ mình từng mở một cuộc thi có tên là “Đọc và Yêu” trong group nhà Lá. Khi đó, mỗi sáng, chúng ta đều mở một quyển sách ra, đọc 10 phút và ngồi xuống viết những suy ngẫm về những gì vừa đọc được. Mình tin rằng bất kỳ ai đi trọn hành trình 7 ngày đó, trong đó có mình, sẽ cảm thấy rằng thêm một lần nữa nội tâm được sống động trở lại.
Chúng ta sẽ thấy mình được ở trong dòng chảy của sự học, nhận thức rõ ràng rằng chúng ta viết thông qua việc đọc, thu nhận những kiến thức, bài học mới.
Với nhiều trường hợp, khi học viên nói với mình về việc họ cảm thấy tắc nghẽn, không biết viết gì, mình đều khuyên họ nên mua một quyển sách về lĩnh vực mà họ yêu thích. Một quyển thôi, chọn thật kỹ, và rồi mỗi ngày một trang sách, họ sẽ tìm thấy điều muốn thấy.
Hay một bạn từng viết rất nhiều, dừng lại một đoạn để ưu tiên cho những việc khác, đến khi quay trở lại thì không viết được. Mình đã đều đặn gửi email đọc viết mỗi sáng cho bạn, trong đó có những thông điệp về sự tích lũy, về việc bài viết của mình cũng có thể cứu rỗi chính mình một lúc nào đó, về việc bình tĩnh viết rồi những điều tốt đẹp sẽ đến…
Và bạn bỗng thấy “ồ, mình cũng nghĩ như thế, có trải nghiệm như thế” rồi ngồi xuống viết ra rất nhiều. Sự tự tin với viết lách dần trở lại một cách thật giản đơn, chỉ nhờ việc đọc gì đó mỗi ngày, nghe ai đó chuyện trò cùng mình.
Mình vẫn nghĩ nếu chúng ta không có điều kiện để tham gia một khóa học mới, mời những chuyên gia cầm tay chỉ việc cho mình, chúng ta hoàn toàn có thể tự xoay sở với những gì miễn phí trước và trong nguồn lực của chính mình.
Đêm qua, mình được dự show diễn “Bống là ai” của ca sĩ Hồng Nhung. Mình nhớ chị có kể về việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đến một quán café ở Paris để ngồi. Khi ca sĩ Hồng Nhung hỏi về lý do, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Anh nhìn người”. Và đến tận sau này, ca sĩ Hồng Nhung mới hiểu việc “nhìn người” không đơn thuần là “nhìn người” mà có rất nhiều cuộc đời với những con người đầy đủ hình dáng, câu chuyện đi qua trước mắt mình.
Tất nhiên đó là những chất liệu để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nên những ca khúc với ngôn từ chứa đựng một nhân sinh quan khác thường.
Tương tự như thế, đôi khi không phải là việc học thông qua đọc một thứ gì đó bằng chữ viết, chúng ta cũng có thể chỉ cần nhìn ngắm, quan sát cuộc sống xung quanh hoặc thậm chí chỉ bằng lắng lại nhìn vào thân tâm, cảm xúc của mình.
Chúng ta có thể viết về câu chuyện cậu bạn chạy xe ôm, về tình yêu của hai anh chị bán hàng rau, về nỗ lực của một cô bé nhà nghèo nhưng vẫn không ngừng thắp đèn mỗi đêm, về một người phụ nữ đẹp khiến ta bị thu hút…
Vậy nên ngày hôm nay, để xây lại nội lực viết lách, mình mong bạn hiểu thêm được tầm quan trọng của việc học và đọc.
Chúng ta sẽ không thể viết tốt và tự tin được nếu không chịu mở đôi mắt ra để phát triển, chiêm nghiệm những bài học mới. Chỉ cần thấy mình vẫn đang phát triển, vẫn đang lớn lên, chúng ta sẽ thấy tự tin nhiều hơn và có thể cũng sẽ khiêm nhường hơn: “Vâng, tôi vẫn đang học thêm từng ngày”.
Chủ đề số 2, hãy cùng chia sẻ với nhau nhiều hơn để thêm một lần nữa học được từ nhau, thấy mình vẫn đang lớn lên:
Viết về một quan điểm/trích dẫn/trang sách/một câu chuyện… hay bất cứ thứ gì mà bạn ấn tượng thông qua những ngày đọc/học/nhìn ngắm cuộc đời.
Có thể là từ một trang sách bạn vừa đọc.
Có thể là một câu chuyện bạn nghe kể.
Có thể là từ một bài viết nào đó trong group này.
Có thể là từ một bài viết trên blog, trên facebook của ai đó…
Bất cứ điều gì, hãy viết ra để cùng chia sẻ trong một bài viết ít nhất 600 từ.