Chào bạn,
Không hiểu từ lúc nào mà khi mình hỏi về ưu điểm của một ai đó, câu trả lời nhận được thường sẽ là: “Tôi thấy mình giỏi kỹ năng lắng nghe”. Những người làm coach giỏi kỹ năng lắng nghe. Một bạn người viết tự do giỏi kỹ năng lắng nghe. Một người nội trợ giỏi kỹ năng lắng nghe. Một người làm văn phòng đặc biệt ở chỗ biết lắng nghe…
Chúng ta cho rằng mình giỏi kỹ năng lắng nghe và tin rằng kỹ năng này là quyết định khi người khác tìm đến mình để chia sẻ câu chuyện của họ. Chúng ta cũng nghĩ khi nói rằng mình giỏi kỹ năng này thì sẽ thu hút được những người cần lắng nghe. Và chúng ta cho rằng, công việc nào cũng cần phải biết lắng nghe hay kỹ năng lắng nghe là đơn giản nhất.
Lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe – bạn có thấy đâu đâu cũng là từ khóa này. Nhưng thực sự, chúng ta có giỏi lắng nghe như mình vẫn tưởng?
Không biết bạn thế nào, còn với mình thì là không. Mình đã thay đổi nhận định về kỹ năng này của bản thân sau khi cầm trên tay quyển “Thấu cảm” trong bộ “Emotional Intelligence” của Harvard Business Review.
Mình đã thực sự vỡ ra khi đọc đến đoạn: “Chúng tôi mong rằng những người đang ảo tưởng về kỹ năng lắng nghe vượt trội của mình sẽ nhìn nhận lại thực sự họ đang đứng ở đâu, và nhận thức phổ biến về việc “lắng nghe như tấm mút” sẽ dần được thay thế. Cuối cùng, chúng tôi mong muốn tất cả mọi người đều thấy được trạng thái lắng nghe tốt nhất chính là việc đóng vai trò giống như giàn nhún lò xo trẻ em: nó giúp đem lại năng lượng, tốc độ, độ cao và sự khuếch đại. Đó là phẩm chất cần thiết để biến chúng ta thành một người lắng nghe xuất chúng.”
Một người lắng nghe tốt không chỉ đơn giản biết: Giữ yên lặng khi người khác nói; Biểu lộ cho người khác biết mình đang lắng nghe thông qua các cử chỉ khuôn mặt và âm thanh trong miệng (chẳng hạn như “ừ, à”); Có khả năng lặp lại những điều người khác vừa nói từng từ một.
Thực tế, có nhiều cấp độ lắng nghe và dù không phải cuộc trò chuyện nào cũng cần phải đạt đến cấp độ cao nhất nhưng việc của chúng ta vẫn là cần rèn luyện để ngày càng phát triển hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, có 6 cấp độ của việc lắng nghe:
Cấp độ 1: Người nghe tạo được một bầu không khí an toàn mà trong đó các vấn đề khó khăn, phức tạp hay tế nhị có thể được thảo luận cởi mở.
Cấp độ 2: Người nghe dẹp sang một bên những phương tiện dễ gây phân tâm như điện thoại, máy tính xách tay để tập trung vào người nói và giao tiếp bằng mắt một cách phù hợp. (Hành vi này không chỉ tác động đến sự nhìn nhận của người nói đối với người nghe mà còn tác động đến chính thái độ và cảm xúc bên trong của người nghe. Nó làm thay đổi cảm xúc bên trong của chúng ta, từ đó khiến chúng ta lắng nghe tốt hơn.)
Cấp độ 3: Người nghe hiểu được bản chất những gì người khác nói. Họ nắm bắt được các ý tưởng, đặt câu hỏi và xác nhận lại để đảm bảo chắc chắn đã hiểu đúng vấn đề.
Cấp độ 4: Người nghe quan sát những tín hiệu phi ngôn ngữ như cử chỉ khuôn mặt, mồ hôi, hơi thở, động tác, tư thế và một số tín hiệu ngôn ngữ cơ thể tinh tế khác. Ước tính có đến 80% nội dung giao tiếp của chúng ta được thực hiện bằng các tín hiệu này. Với vài người thì điều này có vẻ xa lạ, nhưng sự thật là chúng ta luôn lắng nghe bằng cả tai và mắt.
Cấp độ 5: Người nghe thấu hiểu được những cảm xúc của người nói về chủ đề bàn luận, nhận biết và thừa nhận những cảm xúc đó. Họ cũng đồng cảm trên tinh thần xây dựng và không phán xét.
Cấp độ 6: Người nghe đặt câu hỏi để làm rõ các giả định và giúp người nói nhìn nhận vấn đề theo một hướng mới. Họ cũng có thể bổ sung suy nghĩ và ý kiến cá nhân vào chủ đề bàn luận. Tuy nhiên, những người lắng nghe giỏi không bao giờ tìm cách kiểm soát và biến chủ đề họ quan tâm thành tâm điểm của cuộc nói chuyện”.
Mình nghĩ lại về những lần mà mình đã “nhảy cóc” từ cấp độ này sang cấp độ khác. Mình cũng nghĩ về những lần cứ cố “chèn vào họng” người khác để đưa ra giải pháp thay vì lắng nghe và gợi mở để họ tự tìm ra những phương án của chính bản thân họ. Mình nghĩ về rất nhiều sai lầm trong những cuộc nói chuyện với chồng, với con, với bạn viết…
Và thực sự thì nhìn lại thang cấp độ về việc lắng nghe, mình đã đo lường được kỹ năng. “Khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng một người biết lắng nghe giống như một miếng mút biết hấp thụ chính xác những gì người khác nói, thì kết quả chúng tôi thu được lại cho thấy những người biết lắng nghe giống như những giàn nhún lò xo: họ là những người giúp bạn nảy ra các ý tưởng, thay vì hấp thụ ý tưởng và năng lượng của bạn, họ khuếch đại, tiếp thêm năng lượng và làm rõ thêm những ý tưởng đó. Họ luôn khiến chúng ta cảm thấy thoải mái vì không chỉ tiếp nhận một cách thụ động, mà ngược lại còn chủ động hỗ trợ chúng ta. Điều này giúp chúng ta có thêm năng lượng và tầm cao giống như nhảy trên một giàn nhún lò xo vậy”.
Chia sẻ với bạn về tất cả những điều này, mình mong rằng mỗi chúng ta dù ở góc độ của một người đang được lắng nghe hay lắng nghe người khác sẽ luôn hiểu cuộc đối thoại đang dẫn chúng ta đến đâu. Và cũng sẽ không trở thành những “con vẹt” tự ảo tưởng vào kỹ năng lắng nghe của bản thân nữa. Tất nhiên, mình đã luôn sử dụng “chúng ta” trong bài viết này vì luôn có bản thân mình trong đó.
Và bạn biết không, một bài viết từ một người lắng nghe tốt cũng vậy. Nó sẽ cho người đọc cảm giác được quan tâm, thấu hiểu và sáng ra rất nhiều.
Cuối cùng, cảm ơn bạn vì đã luôn ở đây và cùng mình lớn lên trên hành trình viết lách. Mong mỗi chúng ta sẽ có một ngày mới tràn đầy cảm hứng để sống và viết,
Linh.