Trong một cuộc gọi mentoring 1:1, một bạn nói với mình: “Em từng nhận viết content cho một quán trà và bị chê tơi tả. Chị chủ nói em không có khả năng viết”.
Mình nghĩ, là một người viết hay nếu làm nghề viết, những lần chúng ta bị chê như vậy không phải là hiếm. Bản thân mình là một người hướng dẫn viết nhưng cũng không thể tự tin rằng mình có thể đáp ứng được mọi yêu cầu liên quan đến viết lách hay của các bên khác nhau được.
Bây giờ nếu viết, vẫn sẽ có những nơi chê mình như thường. Thậm chí ngay cả trong group này, cũng có người từng comment thẳng: “Không thích giọng văn hay cách viết của Lá”.
Mình nhớ về những lần khác nhau mà trái tim mình như bị hẫng nhịp.
Chị biên tập viên mình quen có gọi mình về làm chung một dự án về giáo dục. Chị cũng từng làm tờ báo khá lớn. Nhưng khi hai chị em mình làm việc với nhau, đảm nhận toàn bộ nội dung thì chẳng đi đến đâu. Chưa kể tụi mình đều rất hay trễ deadline, làm việc theo kiểu mỗi người một nơi nên không ai quản lý được ai, lúc đấy lại quá non nớt, thiếu trách nhiệm.
Dự án mở ra hình như được 2 tháng thì… đóng cửa. Mọi thứ đều không ổn, bài dịch hay tự viết đều không thống nhất được phong cách, nhiệt huyết ban đầu đều tan theo mây khói.
Mình nhớ về lần vỗ ngực: “Gửi bài đây cho tao viết đi” và đứa bạn làm agency gửi mấy bài viết PR. Mình khi đó chẳng hiểu gì về cách viết PR, cũng không biết những bài mẫu nằm ở đâu, xong cứ viết theo kiểu “tổ tiên mách bảo”, cuối cùng thì… hại bạn bị khách chửi.
Sau này mình mới biết, có những lĩnh vực mà mình nên né ra vì đọc thuật ngữ chuyên ngành còn chẳng hiểu thì nói gì đến viết.
Mới cách đây 3 năm, mình lặn lội đi đến một resort để xem, cảm nhận thực tế và viết bài. Bên ấy nói sẽ tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống cho mình. Nhưng sau khi gửi 1 bài đầu tiên, bên khách phản hồi lại: “Viết không sâu” rồi xong, gút bai. Mình đành coi như các chi phí bỏ ra, một ngày lặn lội và hình dung về một công việc siêu chill là trải nghiệm đáng nhớ.
Nhiều lắm những câu chuyện như thế, những lần mà trong tim mình… vụn vỡ như mất một thứ gì chỉ vì bị chê là “viết non tay”, “không phù hợp”, “thiếu trách nhiệm”…
Nói thì ngắn gọn chứ cái hồi mới xảy ra những chuyện ấy, mình cảm thấy rất xấu hổ. Xấu hổ khi bị phủ nhận, thiếu niềm tin vào khả năng của mình.
Mình đã từng tự hỏi: “Sao mình lại bị chê như thế? Mình có làm được gì khác không? Có đi được với nghề này không?”.
Mình cũng đã từng nghĩ đó là những câu chuyện đáng xấu hổ, nên giấu kín đi nếu lỡ ai có hỏi về hành trình viết lách. Nhưng bây giờ thì mình đã có tâm thế khác. Chẳng có gì phải cảm thấy xấu hổ hay thất bại cả. Mọi thứ đều phải học.
Và mọi công việc đều là mối quan hệ cân bằng giữa hai bên chứ không phải mình đi cầu cạnh người ta và họ có quyền tước đi niềm tin vào khả năng của mình.
Câu trả lời đúng luôn là: Hợp hay không hợp chứ không phải mình không có khả năng.
Quay trở lại với câu chuyện của bạn học viên ban đầu. Mình đã kể cho bạn nghe về những lần mình cũng bị xấu hổ khi khách chê. Nhưng đến bây giờ thì đã nhận ra điều gì.
Nếu như chúng ta tiếp xúc đủ lâu với sản phẩm, sống đủ lâu trong nghề ấy, chúng ta sẽ có những trải nghiệm và định hình được phong cách viết phù hợp.
Công việc nào cũng cần một thời gian dài để học, làm quen và thực hành. Viết lách cũng vậy. Đặc biệt khi viết cho thương hiệu. Rất nhiều người sếp đã không hiểu được điều này, vội vàng đánh giá khả năng của người viết trong bài viết đầu tiên là… không viết được.
Trong khi đó, nếu tinh ý, họ có thể nhận ra ai là người có khả năng viết và cần thêm thời gian để chứng minh được sự phù hợp.
Quan trọng hơn mình muốn nói ở đây là câu chuyện của một người làm nghề viết. Ai cũng sẽ có những lúc gặp khó khăn, những nhận xét mà suy cho cùng là phán xét từ người ngoài. Nhưng chúng chẳng nói lên điều gì về khả năng viết của chúng ta cả.
Chỉ chúng ta mới biết rõ đâu là khả năng của mình, liệu mình có quyết tâm và có đủ sức mạnh để dấn thân tiếp hay không thôi. Ai kiên trì, người đó sẽ chiến thắng.
Ngày hôm nay, là ngày quốc tế hạnh phúc, nhưng mình muốn chúng ta kể về những câu chuyện đã từng không hạnh phúc lắm:
Hãy kể về những chuyện buồn, những chuyện từng thấy xấu hổ trên con đường viết lách.
Rồi chúng ta sẽ thấy, mọi chuyện vốn chỉ là trải nghiệm giúp ta trưởng thành hơn.
Hạnh phúc là một con đường chứa cả những điều tưởng chừng như không hạnh phúc.