Điểm yếu của mình là quá nhạy cảm, sống thiên về cảm xúc và thiếu kỷ luật. Những điều này khiến mình lao đao nhiều phen. Mình luôn thấy cuộc sống mờ nhạt, chán nản vì không thể kiểm soát được cảm xúc hay hào hứng trong công việc. Suốt nhiều năm, mình đã cố gắng để khắc phục những điểm yếu này nhưng càng khắc phục, mình càng tự trách bản thân nhiều hơn. Và không có sự thay đổi đáng kể nào xảy ra.
Nhưng khi mình tập trung vào việc phát triển những điểm mạnh thì khác. Mình có khả năng viết uyển chuyển, nữ tính, thấu cảm và sự chân thành trong các mối quan hệ. Vậy nên thay vì cố gắng làm việc đều đặn mỗi ngày, mình chọn tập trung khoảng 3-4 ngày 1 tuần, một tháng chăm chỉ 2 tuần và thời gian còn lại để dành để kết nối, suy nghĩ ý tưởng hoặc nghỉ ngơi nếu cảm hứng chạm đáy.
Nhờ hiểu mình, tận dụng những điểm mạnh, mình vẫn có được những sự tiến bộ nhất định trong công việc. Viết lách thăng hoa, nhiều ý tưởng tìm đến, thu nhập đạt được mức tạm hài lòng và mối quan hệ trong gia đình ổn hơn.
Mình để ý rằng một trong những sai lầm của chúng ta là thường tập trung phần lớn thời gian để khắc phục những điểm yếu thay vì tập trung vào những điểm mạnh. Nhưng nếu chỉ tập trung những điểm yếu, mọi thứ tốt nhất vốn cũng chỉ ở mức trung bình.
Chúng ta sẽ luôn thấy mình không đủ giỏi bằng người khác, áp lực vì thành quả họ đạt được, chán ghét chính bản thân mình. Nhưng ngược lại, khi biết điểm mạnh của mình là gì và đầu tư thời gian, nỗ lực vào nó, chúng ta sẽ tiến rất nhanh, có được cảm giác ở trong dòng chảy.
Quan sát xung quanh, chúng ta cũng sẽ thấy những bậc vĩ nhân, những người kinh doanh thành công hay bất kỳ ai cũng luôn có những điểm yếu. Nhưng để vượt lên được số đông và trở nên xuất chúng, họ đều tập trung vào những điểm mạnh.
Bill Gates – một người say mê máy tính và sau này trở thành tỷ phú với chính điểm mạnh này – lại luôn tự nhận rằng ông luôn gặp khó khăn trong các vấn đề về xử lý nhân sự, quản lý. Ông cũng chỉ tập trung theo đuổi đam mê của mình và bỏ qua những điểm yếu về tất cả những lĩnh vực ngoài đam mê, xây dựng đội ngũ để làm thay ông những công việc về bán hàng, kế toán.
J.K. Rowling – một bà mẹ đơn thân nghèo túng, không có một điểm gì nổi trội ngoại trừ điểm mạnh trong viết lách – đã dốc toàn bộ sức lực để theo đuổi ý tưởng về câu chữ, cốt truyện. Dù tác phẩm “Harry Porter” từng bị 12 nhà xuất bản từ chối nhưng cuối cùng, niềm tin vào chính nơi mình thuộc về (văn học) của J.K Rowling đã mang lại sự nổi tiếng, thành công cho bà.
Nếu như Bill Gates, J.K. Rowling hay những người khác như Steve Jobs, Micheal Jackson… chỉ sống và tập trung vào việc khắc phục những điểm yếu thay vì phát triển tài năng, điểm mạnh, điều gì sẽ xảy ra? Rất có thể chúng ta sẽ không được biết đến họ, bởi trong những lĩnh vực khác, họ khó có thể ghi dấu ấn như trong lĩnh vực có tiếng gọi sứ mệnh dành cho họ.
Có vẻ những nhân vật ấy vẫn quá xa với chúng ta. Gần hơn một chút đi, một cô bạn của mình gần đây có doanh thu một tháng gấp 5 lần tiền lương cả năm đi làm trước đó và đang đặt mục tiêu tiến xa hơn nữa. Nhưng nếu không theo đuổi điểm mạnh về guu thẩm mỹ, tận dụng sự nỗ lực, “lì đòn” trong việc theo đuổi đam mê về phun xăm và chỉ ngồi mòn ghế ở văn phòng làm một nhân viên chứng từ, liệu cô có đạt được sự nghiệp rực rỡ như bây giờ?
Hay với bản thân mình – ngách viết tốt nhất của mình là viết về lĩnh vực tình yêu hôn nhân. Những trải nghiệm và cách quan sát cuộc sống của mình vốn nằm ở đây. Nhưng khi nhìn quanh, thấy người khác viết về những lĩnh vực khác như marketing, tài chính, nhân sự… thì thú vị, an toàn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Nếu mình từ bỏ tĩnh vực thế mạnh của mình và chạy theo việc khắc phục những điểm yếu trong các lĩnh vực đó, cố gắng viết theo họ thì sao? Liệu mình có đạt được những dấu mốc nhất định như trong hiện tại với lĩnh vực tình yêu hôn nhân không? Hay mình sẽ chỉ là một người viết nhàn nhạt, luôn cảm thấy chán nản và rối bời trước những kiến thức mới phải lấp đầy, hoang mang vì lựa chọn của mình?
Câu trả lời tất nhiên sẽ chẳng rõ ràng. Nhưng dường như chúng ta luôn biết cái gì là phù hợp nhất với mình, chỉ là có chịu chấp nhận hay không. Và đừng cố gắng để chạy theo điểm mạnh của người khác thay vì bỏ qua những điểm mạnh của mình. Mỗi người đều có tiềm năng riêng để phát triển, chỉ cần bạn dừng lại và thật lòng với mình hơn một chút.
Ví dụ như mình đã “tạm quên đi” những điểm yếu, không còn cố gắng để chối bỏ cái sự thất thường, cảm hứng ở mình và coi nó như cái gai ngáng đường nữa. Nó thuộc về mình. Mình cũng không cố gắng để nghĩ ít đi, cảm nhận hời hợt hoặc phớt lờ trước một sự việc để khắc phục việc nghĩ nhiều. Mà mình sẽ chọn tiếp cận với những nhận thức đúng đắn hơn, suy nghĩ theo cách logic như bản chất sự việc vốn là.
Cuối cùng, ba lời khuyên có thể tìm thấy trong việc phát triển tốt nhất cho chúng ta là:
Tìm kiếm điểm mạnh của mình
Nếu như bạn quá rối, bạn có thể hỏi những người xung quanh như đồng nghiệp, người thân, bạn bè…, họ sẽ cho bạn cái nhìn khách quan hơn. Sau đó hãy ngồi lại để tự đối thoại và đưa ra câu trả lời cho mình. Đâu là những việc khiến bạn làm tốt hoặc vui khi được làm nó, nhận được lời khen, sự khích lệ…
Đừng áp lực khi so sánh với người khác, tập trung vào con đường của mình.
Trong lĩnh vực nào cũng tồn tại những người xuất sắc hơn mình. Vì vậy, càng so sánh, chúng ta sẽ lại càng thấy áp lực hơn. Những so sánh đôi khi vẫn xảy ra nhưng hãy nhanh chóng kéo mình về với điểm neo. Bạn cũng có thể chọn một người dẫn đường truyền cảm hứng nhưng đừng bị áp lực bởi thành công của họ.
Kết hợp với những người khác
Quay trở lại với cách Bill Gates tìm đội ngũ trợ giúp trong công việc kế toán, nhân sự ngay cả ở thời kỳ khởi nghiệp đầu tiên.
Hãy xác định rằng chúng ta không thể giỏi trong mọi lĩnh vực được nên hãy tận dụng điểm mạnh của những người khác. Ví dụ như mình, mình luôn tìm người trợ giúp về thiết kế, công nghệ cho các công việc đặc thù.
Một năm nữa sắp khép lại. Và mình tin rằng nếu chúng ta cảm thấy năm đã qua quá bết bát, chán nản thì rất có thể chúng ta đã lựa chọn sai lầm trong việc phân bổ nguồn lực. Chúng ta đã phí thời gian ngồi tự vấn mình về những điều chưa được, về những điểm yếu thay vì kiên trì với những điểm mạnh.
Vậy nên nếu cần để xóa nháp và viết lại những trang mới, hãy bắt đầu bằng: “Điểm mạnh của tôi là…” và quyết tâm đi đến cùng với nó. Nhất định chúng ta sẽ cảm thấy mình đang thực sự sống và tiến lên phía trước.
Lá Xanh