Tôi nhận được một đề bài từ mentor lớp viết: “Nếu viết một quyển sách về tuổi thơ của mình, tôi sẽ viết gì trong đó?”. Ngay lập tức, tôi đã nghĩ đến trọn bộ 54 tập khổ nhỏ truyện “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Đó là bộ truyện đã gắn bó với hàng triệu trẻ em trên cả nước. Thông qua tình bạn của 3 đứa nhỏ, tác giả đã vẽ nên thế giới tuổi thơ khắp 3 miền, không quên lồng ghép cả những đặc sản vùng miền, những bài học kinh nghiệm, tình cảm gia đình, và cả sự trong sáng, thơ ngây, hướng thiện của con trẻ. Đây được coi là “Đắc nhân tâm” cho lứa tuổi thiếu nhi. Nếu một ngày có người lớn nào đó muốn tìm về quá khứ tuổi thơ, những cánh đồng, ngọn cỏ, những trưa hè rủ nhau tắm sông, những trong sáng, thánh thiện thì cũng đừng ngại ngần rút đại một tập mà ngấu nghiến.
Nhưng đó không phải là tuổi thơ của tôi.
Tôi đã nghĩ đến hàng tuần về đề bài này và tự hỏi mình muốn viết gì. Lá thư của bạn mentor “động chạm” quá, giống như moi hết ruột gan của mình ra trải trên giấy rồi. Tôi còn gì để trải nữa. Chẳng nhẽ chỉ ngắn gọn: “Chị cũng vậy”. Thế có được không nhỉ?
Tôi là con một. Điều đó khiến cho tuổi thơ của tôi thêm phần u uất. Tôi nhớ chiều chiều được nghỉ học, bố mẹ đi làm sẽ khóa cửa nhốt tôi trong nhà. Tôi nghe văng vẳng bên cạnh nhà có tiếng vui đùa. Hàng xóm nhà tôi cũng nhốt trẻ con trong nhà, nhưng có anh, chị, em, các bạn có người cùng chơi đùa. Dù chỉ một chị một em cũng thành trò chơi cô giáo học sinh, bạn đến chơi nhà nấu cơm mời ăn…
Tôi thì chỉ có một mình.
Có lần tôi trèo lên tường bao, nhìn vào khoảng cách 30-40cm giữa hai nhà, tôi gọi với sang nhà bên cạnh rủ bạn trèo tường lách qua khoảng cách bé nhỏ ấy ra sân đằng trước chơi. Những tưởng bố mẹ sẽ ngợi khen con bé này nhanh trí mà liều, trái lại, tôi ăn đòn lằn roi hai bắp chân, chỗ tẩu thoát duy nhất bị bịt lại. Tôi lại trơ trọi một mình.
Hồi bé, tôi sống cùng ông bà nội. Sau khi bà nội mất, tôi sống cùng ông và nhà bác. Khi lên tiểu học, nhà bác chuyển ra ở riêng, bố mẹ mới từ quê ra ở cùng. Tôi không nhớ nhiều về tuổi thơ của mình ngoài những lần bố mẹ cãi vã, bố tôi đối xử với mẹ con tôi thật tệ. Những trận cãi vã, đòn roi ấy hằn sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ.
Trong nhiều năm trước khi bố mẹ ly hôn, tôi chỉ nhớ mình luôn thường trực cảm giác sợ hãi. Vì bố tôi có thể bỏ đi vài ngày trời rồi bất chợt trở về với cơn thịnh nộ. Tôi sợ khi nghe thấy tiếng khóa cửa lách cách lúc nửa đêm. Tôi sợ mỗi khi bố đuổi mẹ đi, chỉ có tôi và ông nội trong ngôi nhà rộng đến cả trăm m2, không đồ đạc. Tôi ám ảnh bởi tiếng radio của ông nội trong đêm khuya, khi chỉ có một mình. Ngay cả khi không có chuyện gì xảy ra, tôi cũng nơm nớp lo sợ không biết lúc nào sóng gió lại đến. Lớn rồi tôi mới biết, tôi bị sang chấn tâm lý.
Như những người có vấn đề về sang chấn tâm lý gia đình khác. Tôi nghĩ chỉ có hai phương án, một là chết, thì hết, hai là sống, thì phải sửa chữa. Thực ra tôi đã coi như bản thân mình là thứ đồ bỏ đi, trường hợp không thể cứu vãn nữa. Tôi chỉ lặng lẽ sống và duy trì sự sống của mình. Trong thâm tâm, tôi coi như mình đã chết.
Tôi sửa chữa phần nào đối với con gái mình. Tôi rút ra bài học kinh nghiệm từ việc dạy dỗ của bố mẹ và những gì tôi đã trải qua khi còn là một đứa trẻ. Tôi đã từng trách móc bố mẹ mình rất nhiều, đã từng oán than vì sự bất hạnh của mình. Nhưng bây giờ không còn vậy nữa. Tôi chấp nhận như đó là một phần cuộc sống của mình.
Tôi cố gắng cho con những gì tốt đẹp nhất, những thứ mà thủa nhỏ tôi vẫn hằng ao ước. Dù đôi lúc tôi chạnh lòng khi thấy con gái cũng chỉ có một mình và hay nói chuyện với bản thân. Nhưng ít nhất tôi để con lớn lên không bị thiệt thòi về tinh thần.
Tuổi thơ tôi mang đầy sẹo, chỉ chờ đến ngày trái gió trở trời là lại nhức nhối. Nhưng dù đã từng trải qua bao nhiêu buồn đau, rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng, vì không có gì là vĩnh viễn.
Cuộc sống, phân nửa là hồi ức, phần còn lại là phải tiếp tục.
H.Q