Một hôm buổi sáng thứ 7 trời mưa, mình xách máy tính xuống quán cafe sách ngồi làm việc. Ngay bên cạnh bàn mình là một anh chồng và một đứa con nhỏ. Anh chồng tay đang cầm điện thoại, để mặc con tự chơi, nhưng khi vợ vừa bước vào sau thì ngẩng lên mắng xơi xơi: “Dm làm cái gì mà chậm chạp thế hả? Lúc nào cũng rù rà rù rờ”. Đương nhiên còn một loạt từ bậy hơn nữa, chỉ vì vợ đến hơi lâu.
Tiếng anh ta mắng vợ xa xả giữa quán, nên dù đang ngồi bàn bên cạnh, tôi cũng có thể nghe rất rõ. Rồi khi vợ vừa ngồi xuống cùng bàn với con, thì anh ta tiếp tục bài mắng chửi của mình: “Bố nói với mẹ mày, là dạy con học thì dạy cho tử tế, không dạy được thì thôi. Dạy chẳng có cái chương trình khỉ mẹ gì, cứ lung ta lung tung. Không biết được tích sự gì. Dạy không được thì cho nó đi ngủ cho gọn”.
Không là chuyện dạy học, anh ta còn “góp ý” nào cho vợ việc nấu ăn, việc sinh hoạt thế nào cho… phải đạo. Mà nói chung là không phải bằng tone giọng bình thường, anh chồng chêm đủ những tính từ mang tính nhấn mạnh như: dm, vl… Và một lát thì xưng luôn “mày, tao”. Mình nghĩ, anh như đang cố tình nói cho cả cái quán biết là vợ anh tệ như thế nào, ngồi kể xấu hết chuyện này sang chuyện khác.
Nhưng điều đặc biệt nhất là trong suốt cuộc giảng đạo ấy, chị vợ không hề nói một lời nào. Thái độ của chị là im lặng ngồi nghe ra vẻ rất… tiếp thu. Mình đánh giá cao chị cái việc không để ý gì đến xung quanh, như thể không biết chồng đang mắng mình giữa đám đông. Nhưng việc chị cứ thế nuốt từng lời, coi những lời của chồng là chuyện cơm bữa thì không.
Rồi đến lúc họ đứng dậy đi về thì trời mưa. Và họ chỉ mang theo một cái ô, không mang áo mưa. Người chồng tiếp tục xỉ vả: “Đã bảo mang cái áo mưa cũng không mang, đúng là không được cái tích sự gì”. Và người vợ quay sang nhẹ nhàng bảo: “Hai bố con ở đây, để mẹ cầm ô về lấy áo mưa ra nhé!”. Rồi hai bố con ngồi yên trong góc quán ấm áp, một mình mẹ băng qua đường đi về nhà lấy áo mưa. Áo mưa cầm đến, họ cùng nhau cứ thế đi về, như chưa hề có mâu thuẫn hay gì xảy ra.
Mình thật tình khó hiểu, ở đâu ra cái thái độ cam chịu nhẫn nhịn như thế? Ở đâu ra một ông chồng có thể mắng vợ, chửi vợ xa xả giữa quán café? Ở đâu ra cái việc mà cái gì cũng là lỗi của vợ? Ở đâu ra cái việc trời mưa thì người đi lấy áo mưa lại là vợ, chồng ngồi chờ? Ở đâu ra một gia đình nhìn bề ngoài thì hạnh phúc mà bên trong là những chửi rủa, trách móc và dằn gắt mỗi ngày? Cuối cùng, nhìn thái độ của người vợ, thì mình đã có câu trả lời: Là do người vợ cho phép.
Mình không bàn đến việc đó là một anh chồng thô lỗ, xấu tính thuộc về bản chất. Mình cũng không bàn đến việc vì sao họ lấy nhau. Nhưng rõ ràng việc để người chồng thoải mái tung hoành, giảng đạo, chửi bới như vậy là do người vợ chấp nhận và cho phép. Thậm chí ngay cả trong lúc chồng “giáo huấn”, chị không hề có một sự thay đổi nào trên sắc mặt, hay giọng nói, vẫn bình tĩnh quay sang nhắc đứa con: “Con uống nước đi”.
Mình tò mò tự hỏi, nếu ngay từ đầu chị phản ứng gay gắt và coi những lời nói, hành động của chồng là không chấp nhận được thì có đến mức chai lỳ như ngày hôm nay không? Hoặc chí ít là chồng chị cũng không thể xúc phạm chị một cách công khai như vậy được chứ. Hoặc có thể là chị đã từng phản ứng, nhưng khi thấy không có kết quả gì thì cuối cùng chị bỏ cuộc. Và chị lựa chọn sống chung với một người chồng cộc cằn, thô lỗ và thích bới lông tìm vết, vạch lưng vợ cho người ta xem như vậy.
Nghĩa lại chuyện của mình. Trước đây, chồng mình cũng có những lần thích “hâm nước mắm” lắm. Có hôm giữa bữa ăn cơm với anh em họ hàng, chồng mình lớn tiếng gắt mình hay trách mình một cái gì đó trước mặt mọi người. Mình ngay lập tức tỏ thái độ im lặng. Và khi rời bữa tụ họp, trên đường về, mình nói ngay: “Lúc nãy anh gắt em như vậy, ngay giữa bữa ăn. Em cảm thấy rất xấu hổ và rất bực mình. Em không chấp nhận được và không muốn có lần sau”. Rõ ràng là mình không chấp nhận được, nên nói thẳng và chồng mình xin lỗi.
Đương nhiên là mình may mắn vì có chồng hiền lành, sẵn sàng cố gắng thay đổi những thứ như lời nói, hành vi để giúp vợ… dễ chiều hơn. Nhưng mình chỉ muốn nói rằng, thái độ của chúng ta quyết định việc chồng đối xử với mình ra sao. Nếu ta dung túng cho những cằn nhằn, nhiếc móc hay thậm chí cao hơn nữa như hành động vũ phu, ngoại tình, tệ bạc… thì càng ngày mức độ càng kinh khủng hơn. Đến lúc ấy thì ta chỉ có một lựa chọn là rời đi hoặc ở lại chịu đựng địa ngục.
Nếu để ý quan sát xung quanh, chúng ta cũng dễ dàng thấy những người vợ được chồng trân trọng, nâng niu thì ngay từ đầu họ đã có ý thức chăm sóc, bảo vệ bản thân rất tốt. Họ có hệ giá trị và quan điểm riêng của mình, “đắc đạo” và đã hình thành được những nguyên tắc để chung sống trong hôn nhân. Đương nhiên cả hai người vẫn sẽ phải trải qua một hành trình điều chỉnh và hợp nhau hơn. Nhưng có những nguyên tắc tôn trọng, thấu hiểu vốn đã ở sẵn đó rồi, vợ và chồng chỉ việc tịnh tiến đi lên để gặp nhau ở điểm chung này.
Còn nhiều cặp vợ chồng, như đôi vợ chồng mở đầu bài viết, thì chắc chắn là đang đi thụt lùi, đi ngược con đường để trở thành người vợ – người chồng kết nối, yêu thương và trân trọng. Chị vợ bỏ quên hoặc không có hệ giá trị của mình, cho phép người ta đối xử với mình sao cũng được. Cái tảng băng, cái sự chịu đựng đã trở thành thâm căn cố hữu và không dễ gì thay đổi. Cũng như những định kiến, suy nghĩ của anh chồng về vợ mình dễ gì biến mất, nhất là khi anh có một người vợ sẵn sàng… dung túng, chấp nhận chồng mình như vậy.
Cuối cùng, mình chỉ muốn nhấn mạnh lại một điều rằng “người ta đối xử với bạn như thế nào là do bạn cho phép”. Và nếu bạn muốn được yêu thương, trân trọng thì ngay từ đầu bạn phải chuẩn bị sẵn sàng, thậm chí kiên quyết đấu tranh để có được điều đó.