Trong bộ phim “Hạ cánh nơi anh”, có một phân cảnh hẳn tất cả mọi người xem phim đều nhớ. Nàng Seri đã dẫn trung đội trưởng Ri đi shopping, vung tiền để chàng thoải mái chọn những bộ vest đắt tiền nhất. Tất nhiên, với một người xuất sắc từ ngoại hình đến tính cách như trung đội trưởng thì người bên cạnh chẳng tiếc gì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những phân cảnh hoặc những chuyện người nữ “bao” người nam như thế luôn khiến mình thấy thật ngầu.
Trong hành trình làm báo, phỏng vấn rất nhiều cặp đôi hạnh phúc, mình nhớ có rất nhiều câu chuyện đặc biệt khi những nhân vật nam tạo nên những khoảnh khắc lãng mạn, bất ngờ và mang đến sự xúc động lớn cho vợ hoặc người yêu. Nhưng một cặp nhân vật khiến mình ấn tượng nhất là một người vợ bí mật chuẩn bị một căn phòng thật hoành tráng với bóng bay, nến, hoa hồng, bánh kem và tặng chồng một món quà đắt tiền.
Mình không nhớ món quà khiến hàng ngàn người trầm trồ ấy cụ thể là gì, nhưng câu nói mà cô ấy nói thì mình còn rất nhớ: “Nếu anh không là soái ca, hãy để em thành soái tỷ”.
Cô gái xinh đẹp, độc lập, tự tin và đầy kiêu hãnh ấy nhẽ phải là nữ hoàng và được tặng quà trong ngày đặc biệt nhưng cuối cùng lại chủ động tạo nên một khoảnh khắc lãng mạn, một kỷ niệm khó quên với cả hai người. Cô không ngại chuyện mình vất vả chuẩn bị, chủ động mọi thứ mà không hề so đo về tính âm – dương trong một mối quan hệ.
Những câu chuyện như thế của các cặp đôi, khi người phụ nữ là người chủ động tặng quà, không chờ đợi nửa kia phải tặng trước đã khiến mình dần thay đổi quan điểm trong tình yêu. Rõ ràng, sự phân vai nam cần làm gì, nữ cần làm gì trong tình yêu không cần phải quá rạch ròi nữa.
Nếu cứ tuân theo và đề cao việc cho nhận, chờ đợi rồi món quà hoặc những cử chỉ, sự thờ ơ mình nhận được ngược lại với kỳ vọng, chúng ta sẽ chỉ rơi vào những cảnh bi kịch trong ngày lễ. Ngày lễ khi ấy không những không hạnh phúc mà cuối cùng chỉ còn lại là cãi vã, mâu thuẫn, thất vọng, chì chiết và đẩy nhau ra xa hơn.
Thực tế thì đến ngày này, chị em phụ nữ vẫn cứ “đi ra đi vào” để mong chờ một điều gì đó đặc biệt từ nửa kia. Dễ hiểu thôi khi trên facebook là nhà nhà, người người nhắc nhớ về ngày lễ, chia sẻ những món quà và khoảnh khắc lãng mạn, những tin nhắn chuyển khoản với con số… ước gì. Nhưng nếu coi cách thể hiện, cách ứng xử trong ngày này là cách chứng minh tình yêu, chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy của việc gắn nhãn. Chúng ta có thể sẽ đau khổ khi thấy người ấy không hề yêu mình.
Sáng hôm qua, con gái mình có nói: “Mẹ, ngày mai là ngày valentine, mẹ phải tặng quà cho bố đấy. Rồi một tháng sau, 14/3, là valentine trắng thì bố sẽ tặng lại mẹ”. Mình không biết con có đọc nhầm đâu đó về “thứ tự tặng quà” hay không, nhưng mình bất ngờ và thấy thú vị ghê. Vì câu nói của con thật trùng hợp với suy nghĩ của mình bây giờ, là ai tặng quà ai trước đều có quan trọng gì. Điều quan trọng nhất có lẽ là giảm bớt áp lực cho nhau trong những ngày lễ và cảm thấy dễ chịu ở bên nhau.
“Ngày valentine đâu có ý nghĩa gì nếu 364 ngày còn lại không tràn ngập yêu thương”, ở đâu đó có một lời nhắc nhở như thế.
Và rõ ràng là trong cả 365 ngày ấy cũng chẳng cần phải có tâm lý rằng người đàn ông phải gánh vác hết toàn bộ, phải chủ động trong mọi việc và phải che chở hết cho người phụ nữ. Cứ kê tay cho chồng ngủ và ôm anh ấy vào lòng nếu đó là tư thế khiến cả đôi bên cảm thấy… dễ thở hơn. Cứ hỏi trước về một ngày cả anh ấy như thế nào ngay cả khi anh ấy chưa hỏi bạn như thế. Cứ nhắn tin tâm sự trước, chủ động giữ sự kết nối, hẹn hò, gợi ý về những điều thú vị, tặng quà trước… mà không phải cho rằng “đó là việc của anh”.
Một tình yêu bền vững là ở trong đó cả hai người đều dễ chịu, được cùng nhau trưởng thành. Đã trải qua rất nhiều những giận hờn, kiểm soát và đòi hỏi, cuối cùng mình tự thấy rằng việc xây nên độc lập, tự tin, được thể hiện chính mình trong tình yêu mới là điều tuyệt vời nhất. Tự tin là chính mình để chủ động vì tình yêu khi thích và yếu mềm khi cần thiết. Phụ nữ không cần phải bắt buộc lúc nào cũng yếu mềm, bị động chờ đợi.
Hãy nhớ rằng nếu bên cạnh không phải là soái ca, bạn hoàn toàn có thể ứng xử như một soái tỷ. Bắt đầu bằng việc thay đổi câu hỏi: “Anh có biết ngày hôm nay là ngày gì không?” sang câu nói: “Chúc mừng Valentine!”.