Oprah Winfrey từng bắt đầu talk-show ở Chicago và luôn cảm thấy có gì đó không ổn khi cô làm những chương trình về những câu chuyện như thể đang lợi dụng khách mời.
Rồi đến ngày, trong một chương trình, ba nhân vật khách mời – một người đàn ông, vợ của anh ấy và người bạn gái – cả ba người đang nói về chủ đề thiếu chung thủy. Trên sóng truyền hình, người đàn ông đã tiết lộ rằng bạn gái của anh ta đang có thai.
Ảnh hưởng kinh khủng của tin tức này đến người vợ đã khiến Oprah quyết định thay đổi sứ mệnh của cuộc đời mình.
Tác giả Paulo Coelho yêu thích của cô từng nói về “truyền thuyết cá nhân” trong quyển sách “Nhà giả kim”: Nếu một người chọn đi trên con đường khiến tâm hồn người đó luôn tràn đầy đam mê và sự nhiệt tình, người ấy đang đi theo truyền thuyết của bản thân khi nó xảy ra. “Cả vũ trụ hợp sức để giúp bạn đạt được điều đó”.
Oprah nhận ra nghề phóng viên không phải là truyền thuyết cá nhân của mình. Sau chương trình tàn bạo ấy, Oprah cảm thấy được những nỗi hổ thẹn, nhục nhã của người vợ và quyết định rằng “điều này sẽ không bao giờ lặp lại nữa”.
Kể từ đó, cô quyết định sẽ sử dụng truyền hình để chia sẻ những câu chuyện mang lại cảm hứng tích cực cho người khác. Cô dùng chính sự thay đổi, những nỗ lực trong cuộc đời từ một bà mẹ đơn thân, nghèo khó đã vươn lên trở thành nữ hoàng truyền thông để giúp khán giả nhận ra động lực để sống tốt hơn và không ngừng phát triển.
Là một người kể chuyện lão làng, Oprah cũng thường sử dụng một kỹ thuật kinh điển: Công thức 3 hồi.
Đầu tiên, cô bắt đầu câu chuyện với một phần đầy khiêm tốn, giúp khán giả tự nhìn thấy bản thân mình trong câu chuyện đó.
Sau đó, cô đưa ra những diễn biến phức tạp hơn ở phần cao trào.
Phần cuối cùng, cô giải quyết phần cao trào bằng một bài học được đúc kết ra.
Bản thân mình chưa đọc kỹ hơn về câu chuyện về chặng đường hay cách kể chuyện của Oprah, mình chỉ biết về những điều trên khi đọc quyển sách “Bí mật người kể chuyện”. Nhưng chỉ dừng ở đây thôi cũng giúp mình thấy có rất nhiều điểm được truyền cảm hứng. Một trong số đó là khi viết bài, mình cũng đã luôn cảm thấy không ổn nếu chỉ đi kể những câu chuyện về người khác. Bắt đầu từ 2 năm trước, mình đã chuyển hướng để kể những câu chuyện của bản thân mình nhiều hơn.
Nhưng tất nhiên, mình chưa thể biến cuộc đời thành một bệ phóng tốt, mình vẫn vươn lên và cố gắng đọc, vỡ ra nhiều hơn để có thể nói với rất nhiều người khác về những điều này.
Một điểm nữa mà mình thấy rất nhiều người phạm sai lầm và thường không để ý, khiến bài viết rơi vào sự nhàn nhạt, đều đều, không điểm nhấn đó là: Không sử dụng cấu trúc 3 hồi.
Đây là một cấu trúc kinh điển mà mình đã luôn sử dụng trong hơn 7 năm qua và truyền tải cho học viên thông qua những buổi học nhóm.
Mình chỉ muốn nói rằng khi làm một người viết kể chuyện, chúng ta sẽ không thể thiếu đi được những câu chuyện. Nhưng đừng chỉ kể chuyện của người khác, hãy bắt đầu bằng chính cuộc đời của chúng ta, cách chúng ta trăn trở và lớn lên! Mỗi người đều sở hữu một sức mạnh để phát triển.
Sáng nay, mình cũng vừa đọc được một bài chia sẻ ngắn rất hay về sự phát triển từ thầy Nguyễn Đức Sơn:
“Dù bạn trải qua điều gì, cả thất bại lẫn vinh quang, cũng không bao giờ nên để mình mắc kẹt trong quá khứ, hay để quá khứ định nghĩa con người bạn. Con người thật của bạn chính là con người tương lai, con người bạn muốn trở thành.”
– Theo “Personality isn’t permanent” by Benjamin Hardy.
…
Tư duy cố định khiến cuộc sống của ta bị định đoạt bởi quá khứ. Người tư duy cố định cho rằng tính cách sinh là như vậy rồi và để trôi tự do. Khi trôi tự do cái dở ngày càng dở. Cái hay lẽ ra nên mài dũa thì thì bị mai một đi. Tệ hơn họ không có động lực hoặc không dám thay đổi.
Người tư duy phát triển ngược lại không bị ràng buộc với quá khứ, sẵn sàng thay đổi khác với quá khứ, họ tin và theo đuổi tính cách họ khao khát. Cuộc sống thay đổi. Rồi ai cũng thay đổi. Vấn đề là thay đổi theo hướng nào, tích cực hay tiêu cực. Sâu sắc hơn hay nhạt nhoà đi. Buồn hơn hay vui hơn. Có những người phiên bản tuổi trẻ thực sự hay, đầy năng lượng và hoài bão. Một thời gian gặp lại, họ đã trở thành người khác: tính cách nhạt nhoà, hoài bão biến mất, cuộc sống chỉ còn trôi qua với những toan tính thực dụng. Theo tiến sỹ tâm lý học Daniel Gilbert, sau khoảng 10 năm, sẽ có thay đổi lớn về góc nhìn, về tính cách, về tư duy – bạn sẽ không còn là con người như trước nữa.
“Con người là những công trình đang thi công nhưng chúng ta cứ ngỡ đã hoàn thành.””
Đừng cố định và cho rằng bản thân mình chỉ có thế, không có chuyện gì để kể và mải chạy theo những câu chuyện của người khác, để rồi chính mình bị trống rỗng.
Hãy cố gắng thêm một ngày mới để tiếp tục thi công cuộc đời mình, cho mình có thật nhiều khám phá thú vị để kể!
Comment 1
Tháng tư 25, 2023 at 10:55 sáng
"Con người là những công trình đang thi công nhưng chúng ta cứ ngỡ hoàn thành." Câu này thật đúng đắn. Đúng là chúng ta luôn có rất nhiều câu chuyện để kể, để suy ngẫm, để viết lại trong chính cuộc đời mình. Hihi, cảm ơn bài học ngày hôm nay của cô Lá nhé 🙂