Đang ngồi sửa bài cho học viên trong khóa học, nhớ ra cái này nên phải chia sẻ với mọi người luôn. Đó là một trong những điểm khiến chất lượng bài viết của nhiều người bị kém đi là chỉ dùng những tính từ để tả về một ai đó thay vì kể rõ câu chuyện.
Ví dụ viết “cậu ấy rất thông minh”, “cậu ấy rất tuyệt vời”, “cô ấy rất nghị lực”, “câu chuyện về chị ấy rất truyền cảm hứng”, “cô ấy nấu ăn rất giỏi”, “nói tiếng Anh như gió”… Viết như thế mà không kèm chi tiết cụ thể để chứng minh thì mang lại cảm giác rất sáo rỗng.Đây là lỗi mà mình đã nhắc rất nhiều người.
Nói sâu xa hơn thì cần phải ứng dụng tốt kỹ thuật “Show and Tell”, nhưng nói đơn giản thì chỉ cần nhớ là hãy kể những chi tiết để chứng minh cho các tính từ mà mình muốn dùng.Hãy cụ thể ra.
Đừng nói cô ấy nghị lực, hãy kể câu chuyện trong một tháng liền, mỗi sáng, cô ấy đều thức dậy vào lúc 2h sáng, giữa cái rét căm căm để đi lấy hàng về bán…
Đừng chỉ dùng từ “say mê”, hãy kể rõ về việc ở công viên, ở nhà, ở trường, cậu đều mang những quyển sách ra để đọc, ghi ghi chép chép từng yếu tố một về lĩnh vực công nghệ…
Đừng nói câu chuyện của chị ấy đã truyền cảm hứng cho nhiều người mà hãy kể rõ những trường hợp đã thay đổi mọi thứ trong cuộc sống như thế nào sau khi biết về câu chuyện từ chị ấy…
Đừng mở đầu và kết thúc rằng “chị ấy nấu ăn ngon” mà hãy viết rõ ra những món ăn của chị ấy nấu được đầu bếp ở khách sạn 5 sao khen ngợi, mỗi bức ảnh chụp bữa ăn mà chị nấu đều nhận được con số hơn 3.000 likes, nhiều người tìm đến để hỏi xin chị công thức…
Đừng nói “cô ấy trầm cảm” mà hãy nói nhiều đêm cô ấy không thể ngủ được, nhìn con đang nằm ngủ yên cũng thấy trong lòng mình dấy lên sự căm phẫn vì nghĩ do con mà mình phải chịu đau đớn…
Mình ví dụ như thế để muốn nói rằng thay vì chỉ dùng một câu khẳng định hoặc một tính từ, chúng ta cần viết rõ những quan sát của mình để đi đến được kết luận ấy. Mình tin rằng chỉ cần thay đổi một nhận thức này thôi thì chuyện viết lách của chúng ta cũng đã có những bước ngoặt đáng kể rồi.
Tất nhiên để viết được như thế, chúng ta cũng cần phải đọc nhiều, quan sát và có những trải nghiệm. Nhưng hãy chắc chắn rằng chúng ta sẽ không dùng câu chữ để che đậy cho sự non nớt về chất liệu bên trong của mình. Chúng ta không viết được không phải là bí từ, ít vốn từ mà là do chúng ta… không hiểu chuyện. Một câu chuyện mà chúng ta hiểu rõ, biết về nó thì đố rằng không viết nhiều được, đúng không?
Vậy nên thay vì cố gắng đi tích lũy vốn từ, hãy đi tích lũy chất liệu. Thay vì chỉ dùng câu từ để trốn tránh việc viết không tốt, hãy chân thành kể ra những chi tiết từ sự cảm nhận, quan sát của chúng ta. Đó là cách tự nhiên nhất để mang đến một kết quả viết tốt hơn.
Mọi người có công nhận điều này hay có gặp phải rắc rối nào khi viết không, hãy để lại bình luận để mình được biết nhé?
Lá Xanh