5h sáng nay, khi tham gia một buổi chia sẻ về lòng biết ơn của Huyền, mình thấy bạn có nhắc đến 3 cấp độ của sự học: Văn tuệ –> Tư tuệ –> Tuệ thực chứng.
Có nghĩa là chúng ta thường sẽ biết thông qua người khác nói (văn tuệ), sau đó có những tư duy/suy nghĩ của chính mình để kiểm chứng (tư tuệ) và cuối cùng là thực hành, biến kiến thức thành trải nghiệm thực tế trong đời sống (tuệ thực chứng).
Mình nghĩ khái niệm về những cấp độ của sự học chắc không xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta. Câu nói: “Học đi đôi với hành” của Bác Hồ vốn cũng có ý nói đến việc học nên được ứng dụng, thực hành.
Nhưng khi ở giữa thời đại bùng nổ về kiến thức như bây giờ, đâu đâu cũng thấy ai đó chia sẻ điều gì đó mới để chúng ta học được, sự thực hành đôi khi lại bị lãng quên mất. Chúng ta vội vàng, ào ạt lao vào để thu nhặt được càng nhiều kiến thức càng tốt.
Như bản thân mình, có giai đoạn mà vừa mua một quyển sách này, nghe người khác nói về quyển sách khác hay, mình lại vội vàng mua thêm chỉ vì muốn ngay lập tức được đọc, được lấp đầy khoảng trống bên trong.
Hay bên cạnh đang là rất nhiều quyển sách, rất nhiều ý tưởng bài viết, rất nhiều việc khác cần phải làm, mình cũng vẫn lao vào tìm hiểu, nghe thêm những tập podcast mới, đọc thêm các khái niệm mới mẻ. Mình thiếu đi những trải nghiệm về việc thực hành và cuối cùng không đọng lại điều gì.
Khi cảm thấy mình quá ào ào, giải pháp mình đưa ra cho bản thân là phải tĩnh lại để những kiến thức của mình có cơ hội được chuyển hóa thành một điều gì đó vỡ ra bên trong mình. Nếu có thể lại được chia sẻ với người khác thì sẽ tốt hơn nữa.
Phải nói thêm rằng, cũng là 3 cấp độ tương đồng của sự học trong quan niệm của Phật Giáo nhưng thầy Giản Tư Trung có chia sẻ dễ hiểu hơn:
“Có nhiều cách hiểu về thực học, một trong số đó là mô hình 3 cấp độ thực học: Biết-Sống-Thành / Know-Live-Be.
Nếu tâm niệm rằng, học để vun đắp kiến thức cho bản thân, thì ta đã chạm tới cấp độ đầu tiên của thực học. “Học để BIẾT” (learn to KNOW) – đơn giản là muốn biết cái gì, thì học cái đấy.
Nếu tiếp tục chuyển hóa những hiểu biết đã thu được thành thái độ và hành xử của mình với công việc, với cuộc sống, với mọi người, với xã hội, ta sẽ đạt cấp độ thứ hai, tức “Học để SỐNG” (know to LIVE).
Nếu duy trì thái độ, cách hành xử, cách sống và cách làm ấy trong thời gian đủ dài, những thay đổi có tính chất nhất thời sẽ trở nên bền vững, từ đó định hình bản tính và văn hóa của mình. Nhờ vậy, ta đã trở thành con người khác, sống cuộc đời khác và sẽ có số phận khác, tức là ta đã tự “cải số” cho mình. Đây là cấp độ cao nhất của thực học: “Học để THÀNH” (live to BE), tức là trở thành con người mình mong muốn, sống cuộc đời mình mơ”.
Cũng theo thầy, việc học không phải để trở thành người tốt mà là để trở thành người tốt hơn:
“Học không hẳn là để trở thành người tốt (good person) mà để trở thành người tốt hơn (better person). Bởi lẽ, nếu học để trở thành người tốt thì nhiều khi rất áp lực và khó khả thi, nên cũng dễ cảm thấy bất lực, vả lại nếu đã trở thành người tốt rồi thì sẽ ngộ nhận là không cần phải học nữa. Tuy nhiên, nếu đạo học là học để trở thành người tốt hơn, ta sẽ có niềm tin vào bản thân, từ đó ta sẽ tin vào con người, tin vào cuộc sống, và tin rằng ai cũng có thể tốt hơn theo thời gian nhờ thực học. Từ “đạo học”, ta cũng sẽ ngộ ra “đạo sống” (sống để làm gì) và cả “đạo nghề” (làm để làm gì) cho mình”.
Cuối cùng, mong rằng mỗi chúng ta đều có thể bình tĩnh để thực học, không vội vàng lao theo những hiểu biết mơ hồ và cho rằng vậy là đã đủ!
Hãy cố gắng, cặm cụi để mỗi ngày lại một học sâu hơn và trở thành người tốt hơn.