Nhiều bạn hỏi vì sao những bài viết của mình rất dễ chạm vào cảm xúc của người đọc, dù nội dung đơn giản là những điều mà ai cũng biết rồi nhưng đọc vẫn thấy cuốn hút.
Mọi người đoán rằng mình phải siêng đọc sách, vốn từ phong phú lắm, nhưng câu trả lời thực chất là ngược lại. Mình vẫn đang cố gắng sắp xếp để đọc được nhiều hơn thôi, còn vốn từ thì mình không dùng những từ cao sang, huyền bí gì để cần phải biết càng nhiều càng tốt cả.
Mình nghĩ chúng ta ở đây, nếu đủ vốn từ để nói tốt thì hoàn toàn có thể đủ sức để viết tốt. Bởi viết – bản chất cũng chỉ là đang nói chuyện với một người khác – nhưng bằng ngòi bút thôi.
Tuy vậy, mình vẫn có một vài tips nho nhỏ dưới đây để bài viết dễ chạm vào người đọc hơn:
Dùng từ càng đơn giản càng tốt
Khi viết, mình mong độc giả hiểu được nội dung mình muốn nói chứ không phải là để show kiến thức hay sự hiểu biết của mình. Vậy nên ngoại trừ những thuật ngữ chuyên ngành không thể thay thế được, mình đều cố gắng dùng những từ đơn giản, dễ hiểu nhất có thể.
Nhiều người mắc lỗi sai là cứ cố phải dùng những từ mà chỉ rất ít người mới biết, để khoe sự hàn lâm, sự hiểu biết của mình. Nhưng chính điều này lại khiến bài viết của họ không có đủ sức chạm, độc giả đọc mơ hồ và không nắm được đúng ý người viết muốn truyền tải.
Tránh dùng những từ quá cường điệu
Trước đây, mình mắc một lỗi thường xuyên là dùng rất nhiều từ như “biết bao”, “xiết bao”, “vô cùng”, “bao la”, “muôn trùng”… Ví dụ những khi miêu tả một cái gì đó mà quá xuất sắc, cảm giác không diễn đạt được đủ, mình lại dùng những từ này, ý muốn là gói gọn hết trong đó rồi.
Nhưng sau một lần được người chị đi trước nhắc nhở bởi một từ “biết bao” trong bài viết, mình đã để ý để hạn chế tối đa những từ này. Bởi dùng những từ quá cường điệu khi miêu tả sẽ gây đến cảm giác sáo rỗng, không thật.
Việc hạn chế những từ này là một bước ngoặt trong con đường viết lách của mình, giúp các câu viết trở nên chân thành hơn.
Tránh dùng những từ văn nói
Mình có thời gian làm báo khá lâu nên càng hiểu rõ được điều này, đặc biệt là trong quá trình phỏng vấn nhân vật. Vì vậy, mình luôn cố gắng để những bài viết của mình chuyên nghiệp, chỉn chu từ bước cơ bản nhất: hạn chế văn nói.
Tuy nhiên, để phân biệt từ nào thuộc văn nói, từ nào thuộc văn viết thì rất khó vì còn phụ thuộc vào ngữ cảnh nữa. Nhưng có một số từ, cụm từ nên để ý và tiết chế như: “thì, mà, là, rồi thì, ấy…” và các từ địa phương. Đương nhiên vẫn loại trừ những trường hợp dùng với dụng ý diễn đạt của người viết.
Giữ sự chừng mực trong lối viết
Nếu để ý kỹ, các bạn có thể thấy rằng trong bài viết của mình thường không phê phán ai quá gay gắt, hoặc đưa ra một quan điểm nào quá xéo xắt, gây tranh cãi. Thực ra điều này cũng phụ thuộc vào tính cách và suy nghĩ của mình, mình luôn hiểu phía sau một hành động, lựa chọn nào đó cũng có nguyên do.
Mình cũng có điểm yếu là không thích những vấn đề vĩ mô như kinh tế, chính trị, xã hội… nên không đề cập đến nhiều. Những gì liên quan đến mình thì mình viết, nhưng vẫn là ở sự chừng mực thôi chứ không phải là ném đá ai để cố tình triệt hạ người ta.
Mình nghĩ chính sự chừng mực này khiến các bài viết của mình nhận được nhiều sự đồng cảm hơn, ngay cả khi mình không cố tình làm thế. Mình muốn dừng ở 4 gạch đầu dòng trên và sẽ hẹn bạn trong một bài chia sẻ về kỹ thuật viết tiếp theo.
Lá Xanh