Tôi thích viết từ khi đọc “Kitchen” của Banana Yoshimoto.
Trước đó, tôi chỉ thích đọc. Cả một tuổi thơ gắn với giá sách của ông nội, một trí thức cao công tác trong ngành tòa án, với rất nhiều đầu sách và thể loại sách khác nhau.
Tôi nhớ có những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam đã cũ mèm, sờn rách và giá tính bằng đồng. Rồi lớn lên trong thời niên thiếu với truyện tranh, báo đọc ké của ông nội. Khi đi học đại học, thị trường truyện tranh mất dần độ “hot” và sự hoạt động tử tế, tôi chuyển sang truyện chữ. Những tác phẩm “hot” lúc bấy giờ và cả những seri của các tác giả kinh điển. Tôi đọc từ “Cocktail cho tình yêu” đến “Harry Potter” và thực sự nghĩ đến viết khi va phải cuốn Kitchen.
Cũng phải nói thêm, thời gian đó, tôi đang học đại học, đang trong giai đoạn vất vả định hình chính bản thân mình với ước mơ, hoài bão, với cái tôi cá nhân, với quá khứ, hiện tại đan xen nhau. Tôi đọc được vài cuốn truyện của các tác giả trẻ người Nhật, đau đớn, u uất, xé nát tâm can, đen tối, tuyệt vọng. Tôi thấy mình trong đó, nhưng cũng giãy giụa trong mớ cảm xúc trầm cảm đó.
Đến khi đọc “Kitchen”, tôi như được khai sáng. Tôi ngưỡng mộ vô cùng hành văn của tác giả cũng như sức sáng tạo, cảm xúc câu chuyện mang đến.
“Kitchen” là tuyển tập 3 câu chuyện ngắn. Dù trong cả 3 câu chuyện, đều có cái chết, đều có người chết nhưng câu chữ thì nhẹ như không. Tình tiết đen tối đề cập đến một cách dửng dưng, như một hành động thường ngày chẳng có gì đáng để lưu tâm, như ngày nào tôi cũng phải lau nhà, đổ rác vậy.
Và quan trọng hơn cả là tác giả miêu tả cảm xúc và cuộc sống của người ở lại vô cùng nhẹ nhàng và lạc quan. Họ vượt qua được tất cả mọi cảm giác đau buồn, hụt hẫng, và bình thường hóa cuộc sống về sau của mình.
Cái tài của tác giả đó là đem lại một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm khi đọc truyện của mình như cảm giác được thả mình vào một bồn tắm thơm mát dễ chịu sau một ngày dài khó nhọc, bụi bặm và vất vả. Cuộc sống của các nhân vật trong truyện khiến cho người đọc có một cái nhìn lạc quan và thực tế, cho dù không có những đoạn mô tả kiểu kích thích trí tưởng tượng.
Sau “Kitchen”, tôi tìm đọc các truyện của tác giả đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, và giống như tìm ra một kho báu cho chính mình. Tôi đặc biệt yêu thích tác giả này, và “Kitchen” là một trong số cuốn sách tôi mê cho đến tận bây giờ.
Cuốn gần nhất tôi đọc của tác giả này là tác phẩm tên “Hồ”. Một cuốn sách khá mỏng, tình tiết câu chuyện còn chẳng có đoạn cao trào, mâu thuẫn và gỡ nút. Chỉ là câu chuyện ở một thị trấn nhỏ ven biển bình thường, nhân vật chính bình thường, kinh doanh café cho qua ngày đoạn tháng. Nhân vật thứ chính là cô em họ đang stress với cuộc sống thành thị và các vấn đề gia đình nên tranh thủ về ở cùng với chị họ trong thời gian hè. Kết thúc mùa hè, cô chị thì mở rộng thêm phạm vi kinh doanh, cô em thì quay trở về cuộc sống thường ngày với quyết định mới và một tâm hồn đã được gột rửa.
Một câu chuyện nhạt nhẽo. Nhưng như những cuốn sách khác, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, lạc quan là dư vị lưu lại rất lâu sau đó mà nó đem lại. Đối với tôi, đó chính là định nghĩa của “chữa lành” bằng văn học.
Tôi thích viết kể từ khi ấy. Và dư vị đó là điều mà tôi mong mình có thể viết được.
Sau này, tôi luôn có thiện cảm nhiều với các tác giả Nhật. Tôi cũng đọc qua nhiều tác giả, sau Banana thì tôi thích tác giả Ichikawa Takuji, tác giả của “Em sẽ đến cùng cơn mưa”, “Nếu em quay về, có tôi đứng đợi”, “Thế giới này kết thúc dịu dàng đến thế”… Cũng có cùng phong cách và cảm xúc như vậy cho người đọc. Chỉ khác, trong câu chuyện của ông luôn có yếu tố siêu nhiên, viễn tưởng một chút mà tác giả có thể muốn gửi gắm nhiều thông điệp mà bản thân tôi không phải lúc nào cũng tìm ra.
Khi tôi đọc đề bài của ngày hôm nay, tôi thực sự băn khoăn, bối rối, bởi tôi không biết mình sẽ cho rằng viết là công cụ hay sản phẩm? Ngay cả khi để trả lời những câu hỏi như mình giỏi cái gì, mình thích điều gì, mình có kiến thức trong lĩnh vực gì, tôi đều vô cùng đau đầu. Nghĩ suốt cả một tuần mà không thực sự đưa ra được câu trả lời chính xác. Nhưng khi được kĩ lại ngày đầu tiên và được nói rằng, hãy cứ viết những gì bạn nghĩ, thì đây chính là những gì tôi nghĩ.
Tôi mong muốn mình có thể viết được những dòng chữ đem lại cảm xúc thanh thản như vậy đến bạn đọc. Có thể chỉ là những dòng tản văn, rung động trước vạn vật khi đến mùa cây trút lá, hay đôi dòng nhắc nhở bạn đọc hãy chậm lại cảm nhận một chút không khí ngày lễ đang ở xung quanh mình. Hay có thể là những chia sẻ, động viên đến một người xa lạ nào đó bằng những kinh nghiệm đã trải qua của mình.
Ngay cả khi đang viết những dòng này, tôi vẫn không khỏi băn khoăn. Tôi còn tự hỏi “hay mình quay trở lại thành một người đọc thôi”. Rồi tôi nghĩ: “À, mình có thể bắt đầu viết từ trái tim của một người đọc”.
Huyền Quách