1.A. hỏi: “Chị có cần 1 giờ coach cùng em không?”, mình bảo: “À, hôm trước là cần thật nên mới hỏi. Nhưng nay tĩnh lại rồi, nhận ra mọi câu trả lời đều ở trong bản thân mình”.
2.B. hỏi về khóa viết rồi nói: “Em muốn viết sách mà không biết đến bao giờ trình của mình mới đủ để viết”.
Mình nói: “Đừng nghĩ ngược thế! Em nhìn những quyển sách chất lượng nhất đều được viết bởi những chuyên gia để chia sẻ kiến thức, trải nghiệm của họ. Họ không học viết để viết được sách. Họ đào sâu chuyên môn để viết được sách. Câu trả lời của em nằm ở ý tưởng và điều gì thôi thúc em muốn viết ra – những điều này vốn đã tồn tại bên trong em”.
3.Nửa đêm, D. bất lực rồi khóc với mình: “Cái chị sếp mà chuyên mắng em đấy hóa ra cũng chỉ là nhân viên thời vụ. Viết thì chẳng hay gì mà cứ thích bắt lỗi người khác”. Em kể thêm những lần khiến em tức điên lên, không phục người sếp ấy.
Mình nói: “Họ là sếp, và phải như thế nào để cùng một công ty, cùng một cơ chế mà họ được trả lương cao gấp mấy lần em. Bản chất vấn đề ở đây là em mong người ta thông cảm cho khiếm khuyết của em, tự thấy mình viết tốt hơn người khác, không muốn bị sửa bài, muốn được khen ngợi và cổ vũ… Trong khi điều em có thể và nên làm duy nhất lại là: nỗ lực và chân thành. Đừng ngó nghiêng và phán xét về người khác, tập trung vào mình”.
4.E. bức xúc: “Dù em cố gắng để đi kiếm việc như thế nào thì những người bên cạnh cũng cứ ì xèo. Một môi trường cứ thích dìm nhau xuống để cùng chìm nghỉm, em không chịu được. Em thật sự muốn buông xuôi mọi thứ”.
Mình kể về câu chuyện bắn cung tên và nói: “Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được những điều trong khả năng của mình, ở những việc mình làm, còn cảm giác người khác dành cho chúng ta hay việc kết quả sẽ diễn ra theo cách nào hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát. Người khác có tệ như nào, chỉ cần mình vẫn cố gắng đi theo đúng niềm tin của mình là được”.
5.F. hỏi: “Mình tặng bạn một buổi xem tarot hay công cụ thần số học nhé!”. Mình nói: “Hiện tại thì mình đang không thấy cần. Vì có những điều mình đã nhận ra, chỉ là chịu chấp nhận để thay đổi và để thực sự làm hay không thôi. Cứ làm cho hết mấy chuyện đang cần làm đã”.
Bản chất của mọi sự xem hay cần xem – theo mình – vốn là để gọi tên vấn đề đang tồn tại bên trong mà chủ nhân không chịu đối diện.
Thật sự thì mình không phải là chuyên gia hay người sống tỉnh thức. Mỗi ngày của mình vẫn đầy rẫy sai lầm, quát tháo, bực bội và muốn buông xuôi, từ bỏ. Nhưng điều mình nhận ra duy nhất là mọi chuyện vốn ở bên trong mình, phải có điều gì thì mới dẫn ra cái hành động, suy nghĩ tiêu cực đó ở mình. Và bản chất của mọi câu chuyện, mọi mối quan hệ đều giống nhau.
Mối quan hệ giữa chúng ta với vợ chồng, con cái, công việc, người thân, người dưng… đều giống nhau. Chúng ta bỏ cái gì vào, chúng ta sẽ nhận lại được những thứ tương tự. Nên đừng mong tìm thấy câu trả lời từ bên ngoài.
Sáng nay, bạn gửi cho mình một trang sách của Luật tâm thức, trong đó có đoạn:
“Như vậy, bạn có thể dễ dàng phát hiện những bài học cuộc đời thông qua những sự kiện, thường là tiêu cực một cách “giống nhau” đến với bạn có chu kỳ”.
“Đó là những sự kiện làm bạn thấy cô đơn, sợ hãi, buồn phiền, tủi nhục, đau khổ, mất mát… Chúng như những viên gạch được cuộc đời ném về phía bạn. Vẫn những sự kiện với cùng mẫu hình đó, nhưng cấp độ ngày càng tăng lên… đến khi bạn không chịu đựng nổi, không thể phớt lờ như trước nữa”.
Chỉ cần không phớt lờ, ngồi yên một chút và chúng ta sẽ thấy rằng mọi câu hỏi cần đi tìm từ người khác đều vốn có sẵn bên trong mình.
Lá Xanh